Calc: Phần III – Các hàm trong Calc

I/. Giới thiệu các hàm
Trong phần II, tác giả đã giới thiệu đến các bạn các phép toán cộng, trừ, nhân, chia cơ bản. Trong thực tế, chúng ta còn cần nhiều hơn những phép toán này, ví dụ như phép toán lấy căn, sin, cos... cả những phép toán thống kê, lấy ngày giờ hay những phép toán làm việc với chuỗi ký tự...
Calc cung cấp cho chúng ta một thư viện phong phú các phép toán được Calc tạo dựng sẵn, người dùng chỉ cần gọi các phép toán này khi cần tính toán. Các phép toán này được gọi là hàm.

II/. Cách sử dụng các hàm trong Calc
Để sử dụng các hàm trong Calc, Bảng chọn Chèn->Hàm..., hộp thoại Trợ lý Hàm xuất hiện. Trên hộp thoại trợ lý hàm và thẻ phân trang các hàm, hộp thả Loại chứa danh sách các loại hàm trong Calc, danh sách hàm bên dưới chứa các hàm cụ thể trong mỗi loại; phần bên phải của Hộp thoại trợ lý hàm trình bày công thức đầy đủ của hàm, ý nghĩa của hàm, mục số là giá trị truyền vào cho hàm. Phần f(x) của hàm có thể nhận giá trị trực tiếp từ người dùng, có thể chọn ô của bảng tính bằng cách nhấn nút chọn sau đó chọn ô, phần số này cũng có thể nhận một hàm khác.

Ví dụ: 
Chọn ô A1, vào Trợ lý hàm, chọn loại Ngày & Giờ, chọn hàm Today(), nhấn nút Tiếp theo để xem kết quả, nhấn nút OK.
Chọn ô A2, vào Trợ lý hàm, chọn loại Ngày & Giờ, chọn hàm Year(), tại phần f(x) nhấn nút chọn, sau đó chọn ô A1, nhấn Enter.
Chọn ô A3, vào Trợ lý hàm, chọn loại Ngày & Giờ, chọn hàm Year(), nhấn nút Tiếp theo, chọn hàm Today() trong danh sách Hàm, nhấn nút Tiếp theo, nhấn Enter.

III/. Giới thiệu các hàm cơ bản

Các hàm về ngày giờ: Nhóm này bao gồm các hàm xử lý ngày, tháng, năm và giờ. Giá trị trả về có kiểu dữ liệu ngày giờ.
Hàm Datevalue: Trả về một số kiểu giá trị thời gian.
Cú pháp: Datevalue("chuỗi").
Chuỗi: chuỗi văn bản hợp với định dạng thời gian của hệ thống.
Ví dụ: Datevalue("19/9/2016")
Hàm Days: Tính hiệu của hai ngày tháng. Nếu ngày bắt đầu nhỏ hơn ngày kết thúc thì trả về số âm.
Cú pháp: Days(ngày 1; ngày 2).
Ví dụ: Days(Datevalue("1/9/2016");Datevalue("30/9/2016")). Kết quả trả về 29.
Các hàm tương tự: Months, Years.
Hàm Now: Xác định giờ hiện tại của hệ thống.
Cú pháp: Now().
Hàm Hour: Trả về phần giờ trong một giá trị thời gian đã cho. Nhận giá trị trong khoảng 0 đến 23.
Cú pháp: Hour(Thời gian)
Thời gian: Thời gian đưa vào có kiểu giá trị thời gian.
Ví dụ: Hour(Now()). Trả về phần giờ hiện tại, không có phần phút và giây.
Hàm tương tự: Minute,Second.

Các hàm toán học: Nhóm này bao gồm các hàm lượng giác, logarit, hàm lấy căn, hàm làm tròn... Giá trị trả về của các hàm này có kiểu dữ liệu số.
Hàm Sum: Tính tổng tất cả các số trong phạm vi các ô.
Cú pháp: Sum(Số 1;Số 2;...Số 30)
Số 1, Số 2...: Danh sách các ô chứa số cần tính tổng. Có thể nhập tối đa 30 danh sách.
Ví dụ: A1=3, A2=4,A3=6. Sum(A1;A2;A3) trả về kết quả 13.
Ta cũng có thể viết Sum(A1:A3).
Hàm Round: Làm tròn một số với độ chính xác được chỉ định sẵn.
Cú pháp: Round(Số; Số đếm)
Số: Số cần làm tròn.
Số đếm: Làm tròn đến số lượng chữ số bằng Số đếm. Nếu Số đếm bằng 0 hoặc không được nhập thì hàm trả về số nguyên gần Số nhất. Nếu Số đếm âm thì hàm trả về số 10, 100, 1000... gần với Số nhất.
Ví dụ: Round(13,44;1). Hàm trả về 13,4.
Round(13,44). Hàm tra về 13.
Round(13,44;-1). Hàm trả về 10.
Các hàm tương tự: RoundDown,RoundUp.
Hàm Mod: Lấy phần dư của một phép chia của hai số nguyên.
Cú pháp: Mod(Số bị chia;Số chia)
Ví dụ: Mod(22;3). Hàm trả về 1.

Các hàm luận lý: Nhóm hàm này gồm các hàm not, and, or...Giá trị trả về của các hàm này là kiểu luận lý.
Hàm And: Trả về Đúng chỉ khi mọi đối số có giá trị Đúng, còn lại trả về giá trị Sai.
Cú pháp: And(Luận lý 1; Luận lý 2;...Luận lý 30)
Hàm có tối đa 30 đối số.
Ví dụ: And(12<13;9<10). Hàm trả về Đúng.
And(12<13;9<10;7<6). Hàm trả về Sai.
Hàm Or: Trả về Sai chỉ khi mọi đối số có giá trị Sai, còn lại trả về giá trị Đúng.
Cú pháp: Or(Luận lý 1; Luận lý 2;...Luận lý 30)
Hàm có tối đa 30 đối số.
Ví dụ: Or(31<35;30>70). Hàm trả về giá trị Đúng.
Or(31>35;30>70). Hàm trả về giá trị Sai.

Các hàm văn bản: Nhóm này bao gồm các hàm chuyển một số sang văn bản, so sánh hai văn bản...
Hàm Exact: So sánh hai chuỗi văn bản. Hàm trả về giá trị đúng khi hai chuỗi trùng nhau. Hàm phân biệt chữ hoa, chữ thường.
Cú pháp: Exact("Chuỗi 1";"Chuỗi 2")
Ví dụ: Exact("OpenOffice";"OpenOffice"). Hàm trả về Đúng.
Exact("OpenOffice";"Open Office"). Hàm trả về Sai.
Hàm Find: Tìm chuỗi văn bản bên trong chuỗi văn bản khác. Hàm trả về vị trí xuất hiện của chuỗi văn bản. Hàm phân biệt chữ hoa, chữ thường.
Cú pháp: Find("chuỗi tìm";"Chuỗi";Vị trí)
Chuỗi tìm: Chuỗi văn bản có giá trị cần tìm.
Chuỗi: Chuỗi chứa các giá trị thực hiện tìm Chuỗi tìm.
Vị trí: Vị trí trong Chuỗi bắt đầu thực hiện tìm Chuỗi tìm.
Ví dụ: Find("Calc";"Phần mềm bảng tính Calc trong Bộ công cụ Apache OpenOffice"). Hàm tra về 19.
Hàm Len: Tính chiều dài của một chuỗi văn bản.
Cú pháp: Len("Chuỗi").
Ví dụ: Len("OpenOffice"). Hàm trả về 10.

Chú ý: giá trị mặc định ban đầu của các ô dữ liệu trong bảng tính có kiểu dữ liệu tổng quát, kiểu dữ liệu này có thể được sử dụng trong hầu hết các phép toán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểu dữ liệu này lại hiển thị các kết quả không như mong muốn, chúng ta phải định dạng ô cho ô dữ liệu đó để có kết quả mong muốn. Khi chúng ta định dạng một ô ở một kiểu dữ liệu cụ thể nào đó khác kiểu tổng quát, chúng ta phải chú ý để áp dụng các hàm thích hợp cho các ô dữ liệu đó.

Tài liệu liên quan
Calc: Phần I-Giới thiệu chung
Calc:Phần II-Định dạng dữ liệu, thực hiện phép toán và chèn hình ảnh
Calc: Phần II-Bài tập
Calc: Phần III-Bài tập
Calc: Phần IV-Hàm IF
Calc: Phần IV-Bài tập hàm IF
Calc: Phần V-Tham chiếu dữ liệu
Calc: Phần V-Bài tập tham chiếu dữ liệu
Calc: Phần VI-Giới thiệu các hàm thống kê số liệu
Calc: Phần VI-Bài tập các hàm thống kê số liệu
Calc: Phần VII-Cơ sở dữ liệu
Calc: Phần VII-Bài tập Cơ sở dữ liệu
Calc: Phần VIII-Các công cụ thống kê dữ liệu trong Calc

Writer: Phần mềm soạn thảo văn bản
Impress: Phần mềm trình chiếu


Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm của riêng tác giả Ngô Văn Minh

No comments:

Post a Comment