TMĐT: Thương mại điện tử ở Doanh nghiệp

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể tham gia thương mại điện tử. Một doanh nghiệp có thể có nhiều vai trò trong hoạt động sản xuất kinh doanh và trong chuỗi cung ứng hàng hóa dịch vụ, do đó doanh nghiệp có thể thực hiện được nhiều hình thức trong thương mại điện tử. Nhìn từ khía cạnh kinh doanh, doanh nghiệp thường thực hiện hình thức B2B và B2C. Trong các hình thức này, doanh nghiệp xây dựng một trang web, trang web này có chức năng như văn phòng điện tử hay cửa hàng điện tử. Từ trang web của doanh nghiệp, khách thăm (có thể là doanh nghiệp khác hay người tiêu dùng) có thể thực hiện các yêu cầu của mình; từ những yêu cầu nhận được thông qua trang web, doanh nghiệp có thể đáp ứng những yêu cầu đó.


Lợi ích khi thực hiện thương mại điện tử đối với doanh nghiệp

*Thay đổi cách bán hàng
Khi mở một cửa hàng trực tuyến, thì doanh nghiệp đó đã có thể kinh doanh sản phẩm của mình trên toàn cầu, không còn phụ thuộc vào giới hạn địa lý và thời gian; doanh nghiệp có thể thu hút được những khách hàng mà bình thường doanh nghiệp không thể tiếp cận tới. Cách thức trao đổi với khách hàng và cung cấp sản phẩm đã không còn bị trói buộc vào giao tiếp trực tiếp.
*Thu hút khách hàng mới
Việc thu hút khách hàng mới và phát triển doanh nghiệp luôn là mục tiêu của các doanh nghiệp. Bán lẻ hàng hóa dựa vào mối quan hệ thương hiệu và khách hàng; nhưng bán lẻ trực tuyến có thêm lợi ích nữa, đó chính là nhờ vào các dịch vụ trực tuyến để thu hút thêm khách hàng mới.
*Tiết kiệm chi phí vận hành
Vận hành một cửa hàng điện tử sẽ có chi phí rẻ hơn nhiều so với một cửa hàng thực tế. Một cửa hàng điện tử sẽ không phải trả chi phí thuê mặt bằng và các khoản tài sản cố định; có thể cắt giảm nhân công nhờ vào sự tự động hóa của ứng dụng cửa hàng trực tuyến; chủ cửa hàng có thể tự quảng cáo cửa hàng trên môi trường mạng.
*Cung cấp thông tin phong phú về hàng hóa cho khách hàng
Chủ cửa hàng điện tử có thể chủ động đưa những thông tin về mọi khía cạnh của sản phẩm mình bán lên cửa hàng trực tuyến. Những thông tin như: mô tả sản phẩm, nhà vận chuyển, đánh giá của khách hàng về sản phẩm, trao đổi với khách hàng về sản phẩm...
*Hiểu rõ hơn về khách hàng
Với một cửa hàng điện tử, chủ cửa hàng có thể theo dõi được thói quen mua sắm của khách hàng, như: sản phẩm nào họ quan tâm? Khi nào họ có thể mua? Điều gì động viên họ? Những thông tin này sẽ giúp cho chủ cửa hàng bán hàng hiệu quả hơn.
*Tăng sức cạnh tranh
Hiện nay, thương mại điện tử đang là một xu hướng của thương mại. Thống kê cho thấy hơn 80% người dùng Internet mua hàng trực tuyến qua mạng. Mở một cửa hàng trực tuyến giúp doanh nghiệp hòa nhập với xu hướng và bắt kịp với sự cạnh tranh.
*Tăng cường thương hiệu trong Thương mại điện tử sẽ giúp Thương hiệu của doanh nghiệp được biết đến nhiều hơn trong thế giới trực tuyến.


Xây dựng trang web thương mại điện tử-Triển khai kinh doanh dựa trên thương mại điện tử cho doanh nghiệp

Để xây dựng thành công một cửa hàng điện tử cần có nhiều khâu chuẩn bị: Cần xác định được lượng tài chính, điều kiện về kỹ thuật công nghệ, xác định hình thức kinh doanh cho phù hợp, lựa chọn và tìm kiếm đối tác... Nhưng về cơ bản cần thực hiện các bước:

Bước 1: Tạo sự hiện diện trên Internet
Tạo sự hiện diện trên Internet theo cách phổ biến nhất là dùng một trang web. Một trang web là một tập hợp các tập tin có định dạng html được liên kết với nhau; tập hợp các tập tin này được lưu trữ trên một máy chủ và mỗi trang web có một địa chỉ URL. Qua việc truy cập vào địa chỉ URL của trang web, người truy cập mới có thể truy cập tới các tập tin của trang web được lưu trữ trên máy chủ.
Mua dịch vụ lưu trữ trực tuyến (hosting):
Các tập tin của trang web nhất định phải được đặt trên máy chủ thì người truy cập mới có thể truy cập vào trang web. Để lưu trữ các tập tin lên máy chủ, quản trị trang web cần mua dịch vụ lưu trữ trực tuyến của các nhà cung cấp.
Mua tên miền (domain):
Tên miền là địa chỉ của trang web được người truy cập sử dụng khi truy cập trang web. Mỗi một trang web phải có một tên miền riêng duy nhất. Để có tên miền cho trang web, chủ trang web cần phải mua tên miền của nhà cung cấp dịch vụ tên miền.
Viết nội dung và thiết kế trang web:
Nội dung trang web là thông tin mà người truy cập đọc trên trang web. Thông tin trên web có thể là các dòng văn bản, hình ảnh, âm thanh hay các đoạn Video. Chủ trang web có thể tự viết nội dung cho trang web hay có thể thuê người viết nội dung. Lưu ý: nội dung trang web chính là thông tin cung cấp cho người truy cập cái nhìn, cảm quan về sản phẩm và doanh nghiệp. Vì vậy, nội dung cần trung thực, không phô trương hoa mỹ nhưng cũng vẫn thu hút người đọc.
Thiết kế trang web là việc chuyển nội dung trang web thành các tập tin dạng html và bao gồm cả việc trình bày những trang nội dung đó đẹp về mặt hình thức, hấp dẫn người đọc. Công việc thiết kế web thường được giao cho bên dịch vụ, những người thiết kế web chuyên nghiệp.
Cập nhật thông tin và bảo trì trang web:
Sau khi trang web đã đi vào hoạt động, trang web vẫn cần được tiếp tục cập nhật thường xuyên các thông tin như: số lượng sản phẩm hiện bán, bổ sung mặt hàng mới, dịch vụ mới, chương trình khuyến mãi...ngoài ra thì quản trị web cũng nên loại bỏ những thông tin cũ, không cần thiết, xóa bỏ những tập tin không dùng...


Bước 2: Thực hiện quảng bá cho cửa hàng, hỗ trợ khách hàng và tìm kiếm khách hàng
Quảng bá trang web là công việc giới thiệu cho mọi người biết về trang web, công việc này phải được thực hiện thường xuyên và liên tục ngay từ khi trang web bắt đầu đi vào hoạt động cho đến khi ngưng hoạt động mới thôi. Một trang web hoạt động thành công phụ thuộc nhiều vào quá trình quảng bá cho trang web đó. Trong nhiều trường hợp, trang web được thiết kế rất đẹp mắt, chức năng phong phú nhưng hoạt động vài tháng, thậm chí là vài năm mới chỉ có vài chục lượt hay vài trăm lượt ghé thăm. Một website như vậy rõ ràng không thực hiện được chức năng của mình và trở thành một sự lãng phí cho doanh nghiệp. Công việc quảng bá cho trang web là một công việc phức tạp và thường nên để công ty dịch vụ phụ trách thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm được bán phải nên được chuẩn bị kỹ càng từ trước. Khi khách truy cập vào trang web, họ có thể dễ dàng có được những thông tin về sản phẩm quan tâm và họ sẽ càng ấn tượng nếu thông tin họ cần được trình bày một cách chuyên nghiệp. Những ấn tượng tốt đẹp về doanh nghiệp và sản phẩm sẽ dễ dàng khiến những người khách thăm trở thành khách hàng của doanh nghiệp.


Bước 3: Thực hiện quá trình mua-bán: Giao hàng và Thanh toán tiền; đổi trả hàng
Khi thực hiện bán hàng qua mạng, khách hàng có thể ở những địa phương khác nhau như tỉnh khác, hoặc có thể ở nước khác; bên bán hàng và khách mua hàng không giao tiếp trực tiếp với nhau. Chính vì vậy, nhất thiết cần có quá trình vận chuyển hàng hóa từ bên bán hàng giao cho khách mua hàng. Quá trình vận chuyển hàng có thể do bên bán hàng tự thực hiện hoặc bên bán hàng có thể hợp tác với các công ty vận chuyển hàng.
Cùng với dịch vụ giao hàng, bên bán hàng cần phải có một giải pháp hợp lý để khách hàng thanh toán tiền cho sản phẩm được mua. Có hai giải pháp thường được áp dụng để thanh toán cho các giao dịch điện tử: thanh toán khi nhận hàng và thanh toán qua dịch vụ thanh toán điện tử.
Thanh toán khi nhận hàng
Cách thanh toán này được thực hiện nhờ vào đơn vị vận chuyển hàng hóa thu hộ khoản tiền khách mua phải trả cho sản phẩm mua. Khi nhân viên vận chuyển giao hàng tận tay cho khách hàng, khách hàng thanh toán tiền cho người nhân viên đó. Số tiền mua hàng đó sẽ được đơn vị vận chuyển gửi trả cho bên bán hàng. Khi áp dụng cách thức thanh toán này, cần phải trả phí thu hộ (COD) cho đơn vị vận chuyển.
Thanh toán qua dịch vụ thanh toán điện tử
Bên bán hàng đăng ký sẵn với các dịch vụ thanh toán điện tử. Khi khách thực hiện mua hàng trên trang web, họ sẽ lựa chọn những dịch vụ thanh toán điện tử họ có thể thực hiện (có tài khoản tại dịch vụ thanh toán điện tử tương ứng). Sau khi hoàn tất đơn hàng điện tử thì quá trình thanh toán cũng được thực hiện xong, người mua chỉ còn chờ nhận mặt hàng mình đặt mua. Khi áp dụng cách thanh toán này, cần trả phí dịch vụ cho nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Đổi trả hàng cũng là một khâu quan trọng trong mua bán trực tuyến. Khách hàng không được trực tiếp cảm nhận và trải nghiệm về mặt hàng cho đến khi mặt hàng đó về đến tận tay của họ. Một sản phẩm chỉ được cảm nhận qua hình ảnh cùng với các thông tin mô tả thường rất dễ không phản ánh hết đặc tính của sản phẩm đó, do đó đổi trả hàng trở thành một khâu bắt buộc phải có trong trường hợp khách hàng không vừa ý với sản phẩm khi tham gia mua bán trực tuyến.

Bước 4: Phát triển kinh doanh và thương hiệu

Kinh doanh trong Thương mại điện tử là một bộ phận của lĩnh vực kinh doanh (trong đời sống thực) được thực hiện thông qua môi trường mạng. Khi chủ doanh nghiệp quyết tâm tận dụng thế mạnh của Thương mại điện tử để kinh doanh thì những quan niệm truyền thống trong kinh doanh như chất lượng hàng hóa, giá cả cạnh tranh, uy tín là số một... vẫn luôn đúng. Trong môi trường thương mại điện tử, thị trường được mở rộng thì đối thủ cạnh tranh cũng mở rộng. Chỉ có những nhà kinh doanh những sản phẩm chất lượng tốt thật sự, uy tín hàng đầu thì mới biến thương mại điện tử thành một lợi thế lớn, góp phần phát triển kinh doanh và thương hiệu.

Tài liệu liên quan

Thương mại điện tử
TMĐT: Mở gian hàng trực tuyến
TMĐT: Thanh toán điện tử
TMĐT: Hội nghị trực tuyến
TMĐT: Học trực tuyến
TMĐT: Quảng cáo trực tuyến
TMĐT: Tư vấn trực tuyến
TMĐT: Tin tức - Giải trí

Writer: Phần mềm soạn thảo văn bản
Impress: Phần mềm trình chiếu
Calc: Phần mềm bảng tính
Mạng ứng dụng Google
Mạng Xã Hội


Tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm của riêng tác giả Ngô Văn Minh

No comments:

Post a Comment